Trầm hương là gì? Hãy cùng tìm hiểu về Trầm hương cùng Trầm Hương Tinh Long nhé
Trầm hương là phần gỗ của cây dó nhiễm dầu. Một số lòai dó (Aquilaria), thuộc họ trầm (Thymelaeae) trong quá trình sinh trưởng, do những tác động nào đó, tạo sự phản ứng tương tác, lâu ngày trong cây tích tụ một chất dạng dầu, rồi lan dần ra, làm biến đổi các phân tử gỗ, tạo nên nhiều màu sắc (nâu, xám, chàm, đen, … ), nhiều tính chất (cứng, mềm, dẻo, dòn …), nhiều mùi vị (thơm, đắng, cay, chua, ngọt, … ), nhiều hình dáng (tròn, xoắn, dẹp, dài, … ), ở nhiều vị trí (thân, cành, rễ) trong cây dó. Đó là trầm hương , có tên giao dịch thương mại Quốc tế: Agarwood.
Đặc điểm nổi bật của trầm hương là tỏa hương thơm đặc biệt lúc đốt. Căn cứ mức độ nhiễm dầu, màu sắc, hương vị, hình dáng, trọng lượng, xuất xứ … mà trầm hương có các tên gọi khác nhau như: Trầm mắt tử, trầm mắt đảo, trầm bọ sánh, trầm bông, trầm da báo, trầm điệp lá, trầm điệp trai, trầm kiến xanh, trầm kiến lọn, trầm rục, trầm sanh … Theo phẩm cấp, trầm hương được xếp thành 3 hạng, mỗi hạng chia thành nhiều loại, mỗi loại có thể phân thành một số thứ loại.
- Hạng nhất là kỳ nam hay còn gọi là kỳ: Là loại trầm hương có phẩm cấp cao nhất, cho nhiều dầu (các phân tử gỗ đã nhiễm dầu hầu như trọn vẹn), khi nếm có đủ vị chua, cay, đắng, ngọt, tỏa mùi thơm tự nhiên, khi đốt hương thơm đặc biệt, khói xanh, bay thẳng và dài lên không trung. Kỳ nam được chia thành 4 loại: Bạch kỳ, thanh kỳ, hùynh kỳ, hắc kỳ. Sách xưa xếp loại kỳ nam: nhất Bạch, nhì Thanh, tam Huỳnh, tứ Hắc.
- Hạng hai là trầm: Là lọai trầm hương ít dầu hơn kỳ, vị đắng, hầu hết khi đốt mới tỏa mùi thơm, khói khi đốt màu trắng, bay quanh rồi tan ngay. Theo phẩm cấp, trầm được xếp thành 6 loại, từ 1 đến 6 và trong từng loại được phân theo một số thứ loại (ví như loại 5 thì có 5 yếu, 5 thường, 5 đẹp…). Sách xưa chia trầm hương thành 5 loại: Hoàng lạp trầm, Hoàng trầm, Giác trầm, Tiến hương, Kê cốt hương, trong đó Hoàng lạp trầm là tốt nhất.
- Hạng ba là tốc: Tốc có mức nhiễm dầu ít, chủ yếu là từ bên ngòai và xen dài theo thớ gỗ. Có nhiều lọai tốc, với các tên gọi như: Tốc kiến, tốc đá, tốc cá ngừ, tốc hương, tốc lọn, tốc dây, tốc đĩa… Nhưng có thể xếp các dạng tốc thành 4 nhóm: Tốc đĩa, tốc dây, tốc hương, tốc pi. Trong 4 nhóm tốc trên, thì tốc đĩa được đánh giá cao hơn về chất lượng. Tuy nhiên, việc xếp nhóm tốc không nhất thiết theo thứ bật trên.
Đến nay chưa có văn bản chính thức của cơ quan Nhà nước hay của các tổ chức khác, quy định về tiêu chuẩn phân loại, đánh giá phẩm cấp trầm hương. Theo TS Lê Công Kiệt, tiêu chuẩn đánh giá trầm hương thường đựa vào : Nguyên xứ, cường độ, loại hương, hình thù, kích cở, màu sắc, trọng lượng, tỷ trọng, độ tinh khiết và loài cây dó tạo ra trầm hương. Trong giao dịch mua bán, việc phân loại trầm hương ở nước ta, phần lớn dựa vào cảm nhận, kinh nghiệm, đồng thuận giữa các bên, thông qua hành vi trực tiếp của con người như nhìn, sờ, gọt, đốt, nếm, ngửi…
CÔNG DỤNG CỦA TRẦM HƯƠNG:
Trầm hương là dược liệu quý.
Theo Đông y: trầm hương là vị thuốc quý hiếm, vị cay, tính ôn, có tác dụng dáng khí, nạp thận, bình can tráng nguyên dương, chữa các bệnh đau bụng, đau ngực, nôn mửa, hen suyển, lợi tiểu, giảm đau, trấn tĩnh, hạ sốt, cấm khẩu, thổ huyết, khó thở, kích dục …
Theo Lê Trần Đức trong sách: " Thân thế và sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông " (1971) thì từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên nhân dân ta đã dùng trầm hương để phòng và chữa bệnh .Vào thế kỷ thứ XIV, trong Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã viết về trầm hương: " Vị cay, khí rất thơm, tính ấm, thông quan, trị phong độc, trúng độc, trừ tà, ấm dạ dày, bổ nguyên dương, tiêu hoá ".
Trong tác phẩm Lĩnh Nam bản thảo (quyển thượng và quyển hạ) thuộc bộ sách Hải thượng y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông cũng như trong sách " Tủ thuốc nhân dân " (1953 - 1954) của Võ Văn Hưng ; sách " Việt Nam dược vật thực dụng " (1957) của Đỗ Phong Thuần; sách " Đông y gia truyền " (1957) của Lê Văn Khuyên; sách " Dược liệu Việt Nam " (1978); sách " Y học Cổ truyền dân tộc " ( tập II - 1985) của Trường Đại học Y dược Hà Nội ; sách " Hiểu biết cơ bản về phương dược theo Y học cổ truyền " (1983) của Nguyễn Trung Hoà; sách " Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam " (tái bản năm 2004) của GS Đỗ Tất Lợi và nhiều tài liệu khác về dược liệu, đông y, đều cho trầm hương là dược liệu qúy, sử dụng trong hàng trăm bài thuốc y học cổ truyền, chữa bệnh rất hiệu nghiệm.
Theo Tây y: trầm hương có tính kháng sinh, tạo kháng thể mạnh (diệt khuẩn, làm lành vết thương), có tác dụng chữa một số bệnh về tim mạch (suy tim, đau ngực), bệnh về hô hấp (hen suyễn), bệnh về thần kinh (an thần, mất ngủ, giảm đau, trấn tĩnh …), bệnh về tiêu hoá (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy), bệnh về tiết niệu (bí tiểu tiện). Đặc biệt các giáo sư của Nhật Bản đã tìm ra một Sesquiterpens mới trong trầm hương VN (Kỳ Nam từ Khánh Hòa) và chứng minh trong phòng thí nghiệm hiệu ứng kích cảm của nó trên quá trình sinh trưởng của chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh – BDNF (Brain-Derived Neurotrophic Factor). Có thể từ kết quả nghiên cứu này mà đến nay Nhật Bản là quốc gia có lượng Kỳ Nam lưu giữ nhiều nhất thế giới.
Tính chất đặc biệt của tinh dầu trầm hương: Tinh dầu trầm hoặc dầu trầm được chiết suất từ trầm hương hoặc từ gỗ cây dó đã tạo trầm, là chất lỏng sánh, màu vàng hoặc màu hổ phách, cho mùi thơm đặc trưng. Có rất nhiều loại tinh dầu trầm được chiết suất từ các loại trầm hình thành trên các loài dó khác nhau, có giá trị sử dụng và giá trị khác nhau. Sự khác nhau đó thể hiện bên ngoài dễ nhận biết nhất là: Mùi hương, lưu mùi và giá mua bán.
Một số hợp chất của tinh dầu trầm được sử dụng trong lĩnh vực y dược, hóa mỹ phẩm. Đặc biệt tinh dầu trầm hoặc dầu trầm có tính chất sử dụng vừa phổ biến vừa linh thiêng huyền bí đối với các tín đồ Hồi giáo, nhất là khu vực Trung Đông. Các loại phấn sáp, các loại kem, các loại nước hoa sử dụng các hợp chất huyền dịu của tinh dầu trầm, có khả năng làm biến đổi những đặc tính bên ngoài và bên trong của làn da như: xoá vết nám, vết mụn, vết tàn nhang … làm cho lổ chân lông mở ra hay hẹp lại theo sự thay đổi của khí chất mà không tạo ra những phản ứng phụ cho da. Sử dụng hoá mỹ phẩm có tinh dầu trầm làm cho da dẽ mát dịu, con người thêm tươi tắn, hưng phấn, vì thế chúng được xem như là người bạn vĩnh hằng của sắc đẹp.
Tính hấp dẫn của hương trầm: Trầm hương có tính chất cháy cao, khi đốt tỏa mùi rất thơm và được cho là hương thơm hữu ích bật nhất. Nhiều nước phương Đông có tập quán đốt trầm hương hoặc nhang sản xuất từ trầm hương trong dịp cúng lễ tổ tiên, đất trời, thần thánh; đốt trầm hương để chữa bệnh, trừ tà, tạo sự may mắn, hưng phấn. Một số tôn giáo đốt trầm hương trong các nghi lễ được xem là vật giao lưu truyền cảm giữa con người của thế giới thực tại với thế giới thần linh. Từ thời cổ xưa đến thế giới ngày nay, trong các cung điện, đền đài nguy nga tráng lệ, các chùa chiềng, thánh thất, đình miếu … đốt trầm hương được coi là hình thức dâng cúng linh thiêng cao quý nhất. Đốt trầm hương, thưởng thức hương trầm được coi là tao nhã, có lợi cho sức khỏe, thể hiện quyền thế, địa vị chính trị - xã hội của con người, nhất là ở Nhật Bản, Đài Loan.
Trầm hương còn sử dụng vào các mục đích khác như: Làm vật cất giữ có giá trị, làm quà biếu bang giao, làm vật trang trí đặc biệt nơi ở của vua chúa, của các vị chức sắc tôn giáo cấp cao, mang theo bên mình hoặc cất giữ trong nhà để phòng gió độc, tạo sự may mắn.
CÁC LOÀI CÂY SINH RA TRẦM HƯƠNG
Trầm hương sinh ra từ cây Dó, nhưng không phải loài Dó nào cũng tạo ra trầm hương. Theo thống kê của ngành thực vật học, thế giới có khoảng 25 loài dó, nhưng chỉ 19 loài có khả năng cho trầm hương:
(1) Aquilaria grandiflora Bth, (phân bố ở Trung Quốc);
(2) A.sinensis Merr hoặc A.chinesis, (phân bố ở Trung Quốc);
(3) A.yunnanensis.S.C.Huang, (phân bố ở Trung Quốc);
(4) A.beccariana Van Tiegh, (phân bố ở Malaysia, Indonesia);
(5) A.microcarpa Baill, (phân bố ở Malaysia, Indonesia);
(6) A.hirta Ridl, (phân bố ở Malaysia, Indonesia, Singapore);
(7) A.rostrata Ridl, (phân bố ở Malaysia);
(8) A.subintegra Ding Hou, (phân bố ở Thailand);
(9) A.malaccensis Lam, (phân bố ở Ấn Độ, Bhutan, Malaysia, Indonesia, Lào,Thailand);
(10) A.moszkowskii Gill (phân bố ở Indonesia);
(11) A.cumingiana (Decne) Ridl, (phân bố ở Philippines);
(12) A.filaria (Oken) Merr., (phân bố ở Philippines);
(13) A.apiculata Merr., (phân bố ở Philippines);
(14) A.acuminate (Merr.) Quis, (phân bố ở Philippines);
(15) A.crassna Pierrei ex Lecomte, (phân bố ở VN, CPC, Lào);
(16) A.baillonii Pierrei ex Lecomte, (phân bố ở VN, CPC);
(17) A.banaense P.H.Ho, (phân bố ở VN)
(18) A.rugosa L.C.Kiet & P.J.A.Kessler, (phân bố ở VN);
(19) A.khasiana H.Hallier (phân bố ở Ấn Độ, Bhutan).
Ở nước ta theo thống kê trên, có 4 loài dó có khă năng cho trầm hương được định danh là:
(1) A.crassna Pierre ex Lecomte, tìm thấy năm 1899, tiếng Việt hay gọi là cây dó Bầu, phân bố khắp các vùng trong cả nước (từ Hòa Bình đến Kiên Giang).
Ngoài 4 loài dó có khả năng cho trầm hương trên dây, theo Vũ Văn Dũng và Nguyễn Quốc Dựng (Viện Điều tra quy hoạch rừng VN), nước ta còn có 2 loài dó cũng cho trầm, gồm: (1) G.vidalii Pham Hoang Ho – Dó bụi (bụi trườn), phân bố Đông Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, đường kính cây từ 4 – 5cm, loài này cho trầm tự nhiên khá tốt; (2) Linostma deccandrum Wallich ex Endlicher – dó Leo, phân bố ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Kiêng Giang, cây cao 5 – 10m, loài này cho trầm tự nhiên không tốt.
Theo Giáo sư Gishi Honda (Đại học Tokyo - Nhật Bản), loài dó bầu Việt Nam cho trầm hương tốt nhất thế giới. Điều này đã được Lê Quý Đôn (1726 -1784) viết trong Phủ biên tập lục:" Kỳ nam hương xuất từ các xã thuộc phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là tốt nhất, xuất từ Phú Yên và Qui Nhơn là thứ hai." và theo Nguyễn Phước Tương trong bài viết về nguồn hàng xứ Quảng dưới thời chúa Nguyễn, thì " … Hình như trên thế giới chỉ có trầm hương Đàng trong ở xứ Quảng là nổi tiếng hơn cả, vì vậy mà ngày xưa dưới thời chúa Nguyễn các quốc gia theo đạo Phật, đạo Hồi ở vùng Đông Nam Á đều rất ưa chuộng trầm hương ở xứ Quảng ".
Cây dó bầu – Aquilaria crassna đã và đang được các tổ chức và cá nhân ở nước ta trồng khắp mọi vùng miền. Hiện có 2 hình thái về cây dó, thường gọi là dó bầu (vỏ màu xám trắng, gỗ màu trắng, hơi mềm, lá dày và lớn) và dó me (vỏ màu sậm, gỗ màu vàng, cứng, lá thưa và nhỏ). Chưa có cơ sở xác nhận dó bầu và dó me là khác loài. Có thể đây là biểu hiện của sự biến đổi về hình thái, nhưng chúng đều là loài Aquilaria crassna.
Nguồn: Hội Trầm hương Việt Nam
https://www.hoitramhuongvietnam.org/nghien-cuu-khoa-hoc/tram-huongcay-do-bautao-tram-loi-ichthach-thuc-va-trien-vong.html